Hà Nội mù mịt, chất lượng không khí xấu

Chia sẻ: FacebookLinkedin

Hơn một tháng nay, không khí ở Thủ đô thường xuyên trong tình trạng mù mịt vào buổi sáng và tối, chỉ số ô nhiễm có lúc xếp thứ tư thế giới, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Gần 6h ngày 4/12, cầu Nhật Tân nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh chỉ nhìn thấy một trụ cầu, 4 trụ còn lại mờ mịt, phương tiện phải bật đèn vàng di chuyển.

Cầu Long Biên nối quận Hoàn Kiếm với Long Biên ẩn hiện dưới lớp sương mù dày.

Theo các chuyên gia môi trường, hiện tượng này thường xuất hiện từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Nguyên nhân là trời ít mưa, lặng gió, sương mù kết hợp với nguồn phát thải từ mặt đất không được kiểm soát tốt khiến các chất ô nhiễm không khuếch tán mà quẩn quanh ở tầng thấp.

Những tòa nhà cao tầng ở quận Nam Từ Liêm nhìn không rõ nét, trong đó tòa Keang Nam cao 350 m không thể thấy đỉnh.

Đường vành đai 3 trên cao bị mây mù bao kín. Nhiều ngày qua, trạm quan trắc ở Hà Nội hiển thị chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức rất xấu hoặc nguy hại. Như điểm đo 556 Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường ghi nhận AQI ngày 28/11 là 225 – mức rất xấu, ảnh hưởng đến tất cả người dân.

Đường Nguyễn Trãi phủ lớp sương mờ lúc cao điểm sáng khi người dân đi làm.

Góc hồ Tây đoạn qua khách sạn Thắng Lợi lúc gần trưa vẫn mịt mù.

Người dân đeo khẩu trang tập thể dục sáng tại khu đô thị Xa La, quận Hà Đông.

7h55 hôm nay, chỉ số AQI ở trạm quan trắc quận Thanh Xuân do Đại sứ quán Mỹ lắp đặt là 134, mức có thể gây hại cho người mẫn cảm. Hai quận Tây Hồ, Long Biên ô nhiễm nhất với chỉ số lên tới 158, người dân hạn chế ra ngoài.

Lúc 21h ngày 3/12, trên đường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, người dân lưu thông dưới ánh đèn mờ ảo.

Do chỉ số AQI tăng cao vào cuối tháng 11, hệ thống tổng hợp ô nhiễm không khí IQAir xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm thứ tư trên thế giới.

Cơ quan môi trường lý giải ô nhiễm không khí ở Hà Nội do khí thải từ phương tiện giao thông. Thủ đô có 7,8 triệu phương tiện, trong đó ôtô hơn một triệu, xe máy hơn 6,6 triệu, xe máy điện hơn 184.000, chưa kể khoảng 1,2 triệu xe từ các tỉnh thành tham gia giao thông tại Thủ đô.

Một nguồn gây ô nhiễm khác là khí thải từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, đốt rác. Ảnh trên là khói từ Nhà máy phân lân Văn Điển, huyện Thanh Trì.

Ngoài ra, nguồn bụi từ các công trình xây dựng ở Thủ đô cũng làm gia tăng ô nhiễm không khí. Vào mùa hè, mưa nhiều, bụi được rửa trôi, không phát tán mạnh như mùa đông. Ảnh trên là công trường một dự án giao thông 1.200 tỷ đồng của quận Long Biên.

Nguồn: https://vnexpress.net/ha-noi-mu-mit-chat-luong-khong-khi-xau-4684520.html?gidzl=1IPb119Ec3q7FcCA5r6HFmy_Rmq1Lv0q4sivKGjNbJCIRsaB2m6HEqfiObfQ2v1eGp1f3ZOWNie054YVDW