Tổng kết công tác xây dựng kế hoạch Quản lý Chất lượng không khí thành phố Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2035

Chia sẻ: FacebookLinkedin
Chiều ngày 29/2,  Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phối hợp với các đơn vị tổ chức Hội Nghị tổng kết công tác xây dựng kế hoạch Quản lý Chất lượng không khí thành phố Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2035. Nhằm tổng kết, đánh giá và đưa ra các giải pháp, kế hoạch cho các lộ trình triển khai thực hiện tiếp theo, thúc đẩy các hành động chung về nâng cao chất lượng không khí và bảo vệ sức khỏe cộng đồng tại Hà Nội.
                               
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Minh Tấn cho biết, cùng với quá trình đô thị hóa và mở rộng TP, Hà Nội đã trở thành một trong 17 đô thị lớn nhất thế giới. TP đang phải đối mặt những tác động tiêu cực do ô nhiễm môi trường, biến đối khí hậu, quá trình đô thị hoá nhanh làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng không khí của Thành phố. Trong khi đó, việc quy hoạch phát triển TP còn chưa đồng bộ, thiếu lồng ghép các giải pháp môi trường và hạn chế trong hiểu biết của các cộng đồng dân cư đang là những thách thức không nhỏ làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng không khí của TP Hà Nội.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Minh Tấn cho rằng, bên cạnh quyết tâm của lãnh đạo TP, lãnh đạo Sở, rất cần sự hỗ trợ, hợp tác của các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học tham gia hành động của toàn thể các đơn vị, tổ chức và Nhân dân trong việc cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn Thủ đô.
Trước thực trạng đó, TP Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hạn chế nguồn phát sinh chất gây ô nhiễm không khí. Điển hình, TP đã đưa vào vận hành hệ thống 35 trạm quan trắc không khí tự động, 06 trạm quan trắc nước mặt, giám sát chất lượng môi trường khí thải, nước thải các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất giải pháp cải thiện chất lượng không khí. Chỉ đạo các cấp chính quyền xóa được hơn 99% số lượng bếp than tổ ong, giảm 80% lượng đốt rơm rạ ở ngoại thành, xóa bỏ hàng trăm lò gạch thủ công; Thu gom, vận chuyển rác thải hàng ngày khu vực đô thị đạt trên 90%, khu vực ngoại thành đạt 80%; Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các nhà máy xử lý rác thải phát điện tại Nam Sơn 4000 tấn/ngày, Xuân Sơn 1.500 tấn/ngày, tiếp tục kêu gọi đầu tư các nhà máy xử lý rác thải phát điện hiện đại.                             
TP Hà Nội đã triển khai chương trình đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn; chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý cơ sở sản xuất, công trình xây dựng gây bụi bẩn; rà soát đầu tư xây dựng, chỉnh trang công viên, hồ điều hòa yêu cầu các đơn vị vệ sinh môi trường tăng cường tưới nước rửa đường, thu gom rác thải… nhằm hạn chế phát sinh ô nhiễm, đồng thời giao Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai nhiệm vụ “Xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cho thành phố Hà Nội” theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trên cơ sở đó,  tiến hành kiểm kê, lượng hóa được các nguồn ô nhiễm không khí và đưa ra các giải pháp phù hợp về chính sách, công nghệ và điều kiện, năng lực của địa phương.
Tại hội thảo, các tổ chức quốc tế; chuyên gia, nhà khoa học và đại diện các tổ chức xã hội về môi trường, các doanh nghiệp đã có bài thảo luận sôi nổi với tinh thần chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời đưa ra những kiến nghị, đề xuất giải pháp hiệu quả cho vấn đề cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn Thủ đô trong những giai đoạn, lộ trình tiếp theo./.
Nguồn: Sở TN&MT Hà Nội