Những ngày qua, Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đang trải qua một đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng, ảnh hưởng rất xấu tới sức khỏe. Báo cáo môi trường quốc gia về môi trường không khí cho thấy, ô nhiễm không khí tại Hà Nội cũng như các tỉnh miền Bắc chủ yếu là ô nhiễm bụi PM2.5 – loại bụi được coi là “tử thần” trong không khí khi có thể đi sâu vào phổi, gây ra nhiều bệnh về hô hấp, tim mạch, đặc biệt là với đối tượng nhạy cảm như người già, trẻ em.
Tại các đô thị lớn ở miền Bắc, như Hà Nội, số ngày trong năm có chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức kém và xấu chiếm khoảng 30,5% tổng số ngày quan trắc, trong đó có một số ngày có AQI suy giảm tới mức rất xấu (AQI = 201- 300). Bên cạnh đó còn có ô nhiễm không khí làng nghề vẫn chưa được kiểm soát, công nghệ sản xuất lạc hậu, chưa có đầu tư thích đáng cho xử lý nguồn thải, nhiên liệu thường dùng là than chất lượng thấp. Vì vậy ô nhiễm không khí làng nghề trong những năm qua có chiều hướng gia tăng. Ở một số làng nghề bị ô nhiễm nặng về bụi, khí độc, hơi kim loại, ô nhiễm mùi và tiếng ồn.
Liên quan đến nội dung này, TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết, Hà Nội và các địa phương ở miền Bắc đang trong “mùa ô nhiễm không khí” nghiêm trọng nhất năm, thường kéo dài từ tháng 10 đến tháng 3 hằng năm. Vì vậy, người dân nên thường xuyên theo dõi các ứng dụng quan trắc chất lượng không khí để có giải pháp bảo vệ sức khỏe kịp thời.
Nguyên nhân ô nhiễm được cơ quan chức năng và các chuyên gia chỉ ra là do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết không thuận lợi, dẫn đến các chất ô nhiễm trong không khí hạn chế khuếch tán, đặc biệt là bụi PM10 và bụi mịn PM2.5. Ngoài ra, việc người dân đốt rác thải, đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp ngoài cánh đồng diễn ra rất phổ biến, thường xuyên trong nhiều năm mà chưa có biện pháp xử lý hữu hiệu để ngăn chặn, làm tăng thêm tình trạng ô nhiễm không khí, khói mù cho khu vực đô thị, dân cư tập trung.
“Ô nhiễm không khí là vấn đề nghiêm trọng của Hà Nội nhiều năm qua, bởi các nguyên nhân như giao thông, công nghiệp, xây dựng và các hoạt động dân sinh”, TS Hoàng Dương Tùng chia sẻ.
Theo TS Hoàng Dương Tùng, ở Việt Nam ô nhiễm bụi chịu tác động rõ rệt bởi các yếu tố khí hậu tạo nên quy luật diễn biến chất lượng không khí theo các mùa trong năm và theo giờ trong ngày. Những năm gần đây, tại Hà Nội và nhiều địa phương khác của Việt Nam cứ đến mùa Thu – Đông chất lượng không khí lại ô nhiễm ở ngưỡng nghiêm trọng. Ở một số thời điểm, chất lượng không khí vượt ngưỡng 300 theo chỉ số AQI (rất nguy hại) và nhiều thời điểm ô nhiễm nghiêm trọng nhất thế giới.
Ngoài ô nhiễm không khí bên ngoài, ô nhiễm không khí do khói thải từ các hộ gia đình là nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe rất lớn đối với 3 tỷ người, những người nấu ăn và sưởi ấm gia đình bằng nhiên liệu sinh khối và than đá. Khoảng 3,8 triệu ca tử vong sớm có thể quy cho nguyên nhân ô nhiễm không khí tại hộ gia đình trong năm 2016. Hầu hết các gánh nặng bệnh tật này đặt vào các nước đang phát triển. Ô nhiễm không khí tại hộ gia đình cũng là một nguồn chủ yếu gây ra ô nhiễm không khí bên ngoài ở cả khu vực đô thị và nông thôn.
Hà Nội và các đô thị đang trong quá trình phát triển với việc xây dựng mới và cải tạo hệ thống hạ tầng, rất dễ bắt gặp đường sá bụi bặm, công trình không được che chắn, cát sỏi vứt bừa bãi, đây cũng là một nguyên nhân.
“Đa số cơ quan quản lý từ trung ương tới địa phương vẫn chưa nắm được cụ thể ngành nào, cơ sở sản xuất nào gây ô nhiễm không khí là chủ yếu, ở mức độ nào, tại sao (trong chuyên môn gọi là kiểm kê phát thải), để tập trung nguồn lực giải quyết dứt điểm theo nguyên tắc Pareto; thay vì dàn trải, tập trung giải quyết 20% số cơ sở sản xuất gây ra 80% lượng phát thải không khí”, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo TS Hoàng Dương Tùng, việc đốt rơm rạ sau thu hoạch, khói bụi mù mịt cũng là việc đến hẹn lại lên. Mấy năm gần đây dân số tăng, rác sinh hoạt ngày càng nhiều, việc đốt rác trở thành hiện tượng phổ biến. Các hoạt động nông nghiệp như chăn nuôi, bón phân hóa học thuốc trừ sâu… cũng là nguồn gây ô nhiễm không khí thứ cấp đáng kể mà chúng ta chưa chú tâm trong mấy năm vừa qua.
Năm 2019, Hà Nội cũng đã chỉ ra 12 nguyên nhân gây ô nhiễm không khí cho Thành phố bao gồm: khí xả thải từ ô tô, xe máy; đun bếp than tổ ong, đốt củi; xây dựng, phá dỡ các công trình; vận chuyển vật liệu; mùi hôi thối từ hệ thống thoát nước chưa được xử lý; mùi từ các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Các nguyên nhân khác là: đốt rơm rạ, rác; thu gom rác thải chưa tốt; ô nhiễm ao hồ lâu năm; bùn thải chưa được xử lý; khói bụi từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn Thành phố và một số tỉnh lân cận; tác động của khí hậu và thời tiết chuyển mùa.