Việt Nam đang có khoảng 80,6 triệu “trạm” phát thải di động lưu thông trên đường. Đây là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất, gây ô nhiễm không khí và đóng góp đáng kể vào biến đổi khí hậu.
Ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng
Theo dữ liệu của trang IQAir, lúc 7h ngày 9/10, chỉ số ô nhiễm không khí tại Hà Nội là 213, đứng thứ 2 thế giới. Đây là ngưỡng gây hại cho sức khỏe con người.
Đáng chú ý, liên tiếp những ngày gầy đây, tình trạng ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn luôn nằm ở ngưỡng báo động. Thậm chí, ngày 7/10, cả Hà Nội và TPHCM đều trong top những thành phố lớn ô nhiễm nhất thế giới. Trong đó, chỉ số ô nhiễm không khí tại Hà Nội là 174 – mức ô nhiễm nhất thế giới; chỉ số này tại TP.HCM là 147 – đứng thứ 7 thế giới, chất lượng không khí không tốt cho các nhóm người nhạy cảm.
Ông Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam đánh giá, Hà Nội cũng như rất nhiều thành phố của Việt Nam đang bị ô nhiễm trầm trọng. Một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí chính đến từ phương tiện giao thông cá nhân.
Chúng ta có rất nhiều xe máy, ô tô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Xe máy thì chưa có quy định kiểm soát khí thải, xả khói đen bao nhiêu cũng được. Đó là những nguồn ô nhiễm không khí rất đáng kể đối với thành phố, ông Tùng nhấn mạnh.
Theo một nghiên cứu của Trung tâm Quan trắc môi trường miền Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), vào năm 2023, tại các đô thị lớn ở nước ta, khí thải ô nhiễm môi trường có tới 70% bắt nguồn từ các phương tiện giao thông. Lượng phát thải các khí này tăng lên hàng năm, cùng với sự gia tăng về số lượng của các phương tiện, nhất là phương tiện cá nhân.
Các chuyên gia tính toán, nếu mỗi chiếc xe ô tô, xe máy lưu thông trên đường được ví như một trạm phát thải di động, thì Việt Nam đang có gần 80,6 triệu trạm phát thải như vậy (theo số xe đã đăng ký tính đến cuối năm 2023). Trong đó, có hơn 6,3 triệu ô tô và 74,3 triệu xe máy.
Những chiếc xe ô tô, gắn máy sử dụng nguyên liệu hóa thạch này không chỉ là tác nhân chính gây ô nhiễm không khí, mà còn ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp đến sức khỏe người dân.
Ông Pattrick Haverman – Phó trưởng đại diện tại Việt Nam của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (United Nations Development Programme – UNDP) dẫn số liệu quốc gia năm 2016, ngành giao thông vận tải đóng góp khoảng 18% lượng khí nhà kính. Từ đó cho thấy, nếu không có hành động ngăn chặn ngay từ bây giờ, lượng khí thải này sẽ tăng lên mức 64,3 triệu tấn carbon vào năm 2025 và 88,1 triệu tấn carbon vào năm 2030.
Thế nên, việc chuyển đổi hoặc thậm chí “đóng cửa” các nguồn phát thải này là cần thiết và cấp bách. Điều này không chỉ phù hợp với xu hướng toàn cầu mà còn là một nhiệm vụ quan trọng nếu Việt Nam muốn đạt mục tiêu đưa phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 như Chính phủ đã cam kết.
Xanh hóa phương tiện giao thông
Mới đây, tại một hội thảo về giảm phát thải ngành ô tô, TS. Lê Xuân Nghĩa – Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển tài chính carbon, khẳng định, xe điện là một loại phương tiện giao thông giảm phát thải khí nhà kính đầy triển vọng trong những thập kỷ tới.
Song, ông lưu ý đến việc cần thay đổi cái nhìn của người tiêu dùng đối với xe điện hiện nay. Kinh nghiệm một số nước trong thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng xe xanh là thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Đơn cử, tại Hàn Quốc, toàn bộ xe công đều là hàng sản xuất nội địa, từ đó tạo niềm tin với người tiêu dùng, tạo ra phong trào toàn dân ưu tiên sử dụng hàng trong nước.
Việc mua sắm xe công ở nước ta cũng có thể chuyển từ xe xăng sang xe điện để nêu gương cho dân, ông Nghĩa gợi ý.
Thực tế, thời gian gần đây nhận thức người dân, doanh nghiệp về xe điện dần thay đổi. Xe điện được chú ý và là chọn lựa ưu tiên, bởi nó không chỉ tiết kiệm chi phí hơn xe xăng mà còn góp phần giảm phát thải ra môi trường.
Đi đầu trong chuyển đổi sang “xe xanh”, Bộ Công an mới đây đã thí điểm mua 70 xe điện để phục vụ cho lực lượng CSGT, đồng thời có định hướng tăng cường triển khai chuyển đổi xe của ngành công an sang sử dụng các phương tiện xe điện. Ngoài ra, giao cho công an các địa phương chủ động triển khai các trạm sạc điện, khuyến khích lực lượng của ngành tăng cường sử dụng xe điện…
Ngày 2/10, Công ty CP dịch vụ Bạn Uống Tôi Lái (BUTL) ký biên bản ghi nhớ mua và thuê bổ sung 10.000 xe máy điện VinFast từ Công ty cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh GSM (GSM).
Ông Trần Nhật Trường – Tổng Giám đốc BUTL – chia sẻ: “Hiện nay, xu hướng chuyển đổi sang phương tiện điện trong ngành giao thông vận tải, taxi và xe công nghệ là một phát triển tích cực và khá quan trọng. Đây là bước tiến lớn trong việc giảm lượng khí thải gây ô nhiễm môi trường và giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu có hạn như xăng, dầu”.
Trước đó, tháng 12/2023, BUTL đã thuê 5.000 xe máy điện VinFast từ GSM, triển khai dịch vụ tại 13 tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Cuối tháng 9 vừa qua, hơn 50 doanh nghiệp vận tải ở nước ta lần đầu tiên đã cùng đoàn kết, quyết tâm vì mục tiêu chung chuyển đổi sang phương tiện giao thông xanh hướng tới phát triển bền vững.
Hiểu rõ nhất sự thay đổi sau khi chuyển đổi từ 800 xe xăng sang xe điện, ông Nguyễn Ngọc Đồng – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đồng Thúy (đơn vị vận hành hãng Lado Taxi) thừa nhận, chi phí sử dụng tiết kiệm hơn rất nhiều xe xăng.
Ông đưa ra cam kết tới hết năm 2024, Lado Taxi sẽ chuyển đổi sang taxi điện 100% với khoảng 1.100 xe.
Ngoài chi phí tiết kiệm, việc chuyển đổi sang xe điện cũng phù hợp với định hướng của Chính phủ về phát triển phương tiện giao thông công cộng xanh – sạch. Thế nên, ông Hồ Chương – Tổng giám đốc Công ty TNHH Vận tải Quốc tế Sơn Nam, cho hay, công ty đã ký hợp đồng mua xe ô tô chạy xăng nhưng sau đó sẵn sàng hủy, chấp nhận mất tiền cọc để chuyển đổi sang dùng xe điện.