Ô nhiễm không khí là gì và làm thế nào để bảo vệ gia đình bạn trước những tác hại của ô nhiễm không khí.
Trẻ em cần không khí sạch, trong lành và an toàn để có thể lớn lên khỏe mạnh. Dưới đây là một số cách giúp bạn giảm mức độ ô nhiễm không khí trong môi trường sống của mình và bảo vệ con bạn khỏi những tác hại của ô nhiễm không khí.
Ô nhiễm không khí: Thông tin nhanh
Thống kê cho thấy 20% số ca tử vong ở trẻ sơ sinh trên toàn thế giới là do ô nhiễm không khí mà phần lớn có liên quan đến các vấn đề trẻ sơ sinh nhẹ cân và sinh non.
Tại sao trẻ em đối mặt với nguy cơ cao hơn?
Trong quá trình trẻ lớn lên, phổi và não bộ của trẻ đang ở trong giai đoạn phát triển. Điều này khiến trẻ đặc biệt dễ bị tổn hại trước các tác động của ô nhiễm không khí.
Hệ thống miễn dịch của trẻ em yếu hơn so với người lớn nên trẻ dễ bị nhiễm virus, vi khuẩn và các bệnh nhiễm trùng khác. Điều này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp và làm giảm sức đề kháng của trẻ.
Trẻ nhỏ thở nhanh hơn người lớn và hít vào lượng không khí lớn hơn so với trọng lượng cơ thể của trẻ, thường là qua đường miệng, nơi hấp thu nhiều chất ô nhiễm hơn. Trẻ cũng tiếp xúc gần với mặt đất hơn mà ở đó nồng độ một số chất ô nhiễm đạt mức cao nhất.
Ô nhiễm không khí ảnh hưởng như thế nào tới trẻ em?
Ô nhiễm không khí không chỉ gây ra những ảnh hưởng ngắn hạn mà còn có tác hại lâu dài tới sức khỏe của trẻ em. Những ảnh hưởng đó có thể không khắc phục được.
Ô nhiễm không khí có thể gây ra các vấn đề hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản và hen suyễn. Ô nhiễm không khí có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn và gây hại tới quá trình phát triển thể chất và nhận thức của trẻ, từ đó có thể ảnh hưởng tới các mặt khác trong cuộc sống của trẻ. Ví dụ, khi trẻ bị ốm, trẻ có thể phải nghỉ học, việc này càng hạn chế khả năng học tập và phát triển của trẻ.
Hơn nữa, những ảnh hưởng mà ô nhiễm không khí gây ra có thể kéo dài trong suốt cuộc đời của trẻ. Người lớn tiếp xúc với ô nhiễm không khí từ khi còn nhỏ có xu hướng gặp phải các vấn đề về hô hấp sau này.
Trong thời kỳ mang thai: Cơ thể người phụ nữ có thể tích trữ các hóa chất độc hại từ không khí và truyền các chất độc hại đó sang con trong quá trình mang thai và cho con bú. Ô nhiễm không khí có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của thai nhi. Nó có thể dẫn đến những hậu quả không mong muốn khi mang thai như sảy thai, trẻ sinh non, nhẹ cân và có thể ảnh hưởng đến sự phát triển khỏe mạnh của não bộ ở trẻ.
Cần lưu ý những triệu chứng gì khi tiếp xúc với không khí ô nhiễm?
Dưới đây là một số triệu chứng có thể xảy ra khi tiếp xúc với không khí ô nhiễm. Hãy trao đổi với bác sĩ nếu một thành viên trong gia đình bạn gặp phải bất kỳ triệu chứng nào dưới đây.
- Mắt khô/kích ứng, nhức đầu, mệt mỏi, dị ứng hoặc khó thở. Ở trẻ sơ sinh, hãy chú ý tới các dấu hiệu trẻ gắng sức khi thở.
- Những người mắc bệnh hen suyễn có thể gặp phải các cơn hen nghiêm trọng hơn, cảm thấy khó thở, đau ngực, ho hoặc thở khò khè.
Người lớn tiếp xúc với ô nhiễm không khí từ khi còn nhỏ có xu hướng gặp các vấn đề về hô hấp sau này.
Cách bảo vệ trẻ em khỏi tác hại của ô nhiễm không khí
Ô nhiễm không khí là một vấn đề toàn cầu và đòi hỏi không chỉ các gia đình, cá nhân mà còn cả cộng đồng và chính phủ phải có hành động ứng phó. Có nhiều việc chúng ta có thể làm để hạn chế tiếp xúc với ô nhiễm không khí cũng như giảm tác động của ô nhiễm không khí tới sức khỏe của trẻ em. Dưới đây là một số bước chính mà bạn có thể thực hiện với gia đình của mình:
Bảo vệ trẻ khỏi ô nhiễm không khí ngoài trời
- Theo dõi thông tin về chất lượng không khí tại nơi bạn sinh sống hàng ngày và cố gắng điều chỉnh các hoạt động và mức độ tiếp xúc với không khí ô nhiễm của gia đình bạn sao cho phù hợp.
- Cố gắng giảm thời gian ở tại những khu vực có mức độ ô nhiễm cao, chẳng hạn như gần hoặc xung quanh các khu vực tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng hoặc các nguồn ô nhiễm công nghiệp. Đi lại vào những thời điểm trong ngày khi mức độ ô nhiễm không khí thấp hơn có thể giúp giảm mức độ tiếp xúc với không khí ô nhiễm.
- Khi tình trạng ô nhiễm không khí trở nên đặc biệt nghiêm trọng, tốt nhất nên tránh các hoạt động gắng sức đối với trẻ em. Nên hạn chế các hoạt động vui chơi hoặc tập thể dục, đặc biệt đối với những trẻ có các bệnh nền từ trước như hen suyễn hoặc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác.
- Khi tình trạng ô nhiễm không khí ngoài trời trở nên nghiêm trọng, chẳng hạn như khi xảy ra các vụ cháy rừng, hãy cố gắng giữ trẻ ở trong nhà.
Bảo vệ trẻ khỏi ô nhiễm không khí trong nhà
- Sử dụng nhiên liệu và công nghệ sạch hơn để nấu ăn, sưởi ấm và thắp sáng ngôi nhà của bạn. Nếu có thể, hãy chọn bếp hoặc lò nướng tiêu thụ điện, khí đốt tự nhiên, khí dầu mỏ hóa lỏng, khí sinh học hoặc năng lượng mặt trời.
- Đảm bảo khu vực nấu ăn có thông gió tốt bằng cách mở cửa sổ và sử dụng quạt hút để nhiệt và khói thoát ra ngoài. Trong trường hợp bếp nhà bạn khó thông gió, hãy cân nhắc việc nấu ăn bên ngoài nếu có thể.
- Bảo trì bếp, ống khói và các thiết bị khác để chúng tiêu thụ nhiên liệu một cách tiết kiệm, hiệu quả.
- Giữ phụ nữ mang thai và trẻ em tránh xa khói thuốc.
- Không hút thuốc trong nhà hoặc gần trẻ em hoặc phụ nữ mang thai để đảm bảo họ không tiếp xúc với khói thuốc một cách thụ động.
- Hãy nhận biết các nguồn gây ô nhiễm trong nhà phổ biến khác, bao gồm các sản phẩm xây dựng và sơn, vật liệu tẩy rửa và hóa chất gia dụng. Không đốt nến, nhang hoặc sử dụng các chất làm mát không khí làm gia tăng hóa chất độc hại vào không khí.
- Nếu có thể, hãy cân nhắc lắp đặt máy lọc không khí có bộ lọc không khí dạng hạt (HEPA) hiệu quả cao, có hiệu quả chống ô nhiễm không khí trong nhà.
- Chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh có thể giúp giảm tổng thể tác động của ô nhiễm không khí tới trẻ em. Trẻ càng khỏe mạnh thì càng ít có khả năng xảy ra các biến chứng về sức khỏe do tiếp xúc với không khí ô nhiễm. Điều này bao gồm việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời, đảm bảo trẻ được tiêm chủng đầy đủ, hỗ trợ chế độ ăn uống lành mạnh và tạo nhiều điều kiện để trẻ vui chơi và vận động thể chất.
Hãy nhớ rằng: Trẻ em thường có niềm yêu thích lớn với môi trường và chống biến đổi khí hậu là một vấn đề có ý nghĩa quan trọng với nhiều trẻ em. Trẻ em nên biết về những rủi ro mà ô nhiễm không khí có thể gây ra tới cả sức khỏe và môi trường. Trẻ nên biết không khí xung quanh trẻ có thể xấu tới mức nào và trẻ có thể làm gì để giảm thiểu ô nhiễm và bảo vệ bản thân trước ô nhiễm không khí.
Giúp tạo ra sự thay đổi để không khí sạch hơn
Ô nhiễm không khí là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng và nếu chính phủ và doanh nghiệp không có những hành động cụ thể để giảm thiểu tình trạng này, trẻ em sẽ tiếp tục là những người chịu nhiều nguy hại nhất. Bạn có thể đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về ô nhiễm không khí và giải pháp giảm thiểu tác động.
- Khuyến khích và hỗ trợ con bạn tìm hiểu và tham gia các hoạt động vì môi trường.
- Sử dụng phương tiện giao thông công cộng, đi xe đạp hoặc đơn giản là đi bộ để giảm lượng khí thải carbon của chính bạn để góp phần giảm ô nhiễm không khí.
- Hãy nói với trường của con bạn về những khu vực có không khí trong lành, không ô nhiễm và những khu vui chơi an toàn. Tìm hiểu xem nhà trường có quy định nào về việc cấm phương tiện giao thông và hút thuốc xung quanh trường hay không.
- Hãy xem trong cộng đồng tại địa phương của bạn có đang thực hiện các sáng kiến xanh mà bạn có thể tham gia hỗ trợ hay không.
- Kêu gọi chính quyền và cơ quan y tế địa phương hỗ trợ các chính sách giảm ô nhiễm không khí và bảo vệ sức khỏe trẻ em, chẳng hạn như tăng cường sử dụng giao thông công cộng và hạn chế các nguồn gây ô nhiễm không khí gần trường học và khu vui chơi.